Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn khá thường gặp. Bởi vì phổ biến mà đôi khi bệnh ít được quan tâm. Nhưng hen phế quản có thể trở nặng nếu không được chữa trị đúng. Cách chăm sóc bệnh nhân hen phế quản tại nhà chuẩn cũng cần được quan tâm để hạn chế các cơn hen quay trở lại.
Bệnh hen phế quản là gì? Tác nhân gây bệnh
Hen phế quản là bệnh gì?
Hen phế quản (hen suyễn) là một bệnh mãn tính về hô hấp. Đặc trưng của bệnh này là những cơn hen cấp tính có nguy cơ tái đi tái lại nhiều lần. Trong một số trường hợp, bệnh diễn biến nặng rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời. Ta có thể hiểu đơn giản là khi tiếp xúc các tác nhân gây bệnh thì đường thở sẽ bị tắc nghẽn do phù nề, dẫn đến tăng tiết đờm và co thắt cơ trơn phế quản. Vì vậy mà bệnh nhân sẽ xuất hiện các cơn khó thở, thở nặng nề, thở rít. Sau đó là ho nhiều và khạc nhiều đờm.
Tác nhân gây hen phế quản
Các tác nhân “dị nguyên” gây nên hen suyễn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu xung quanh chúng ta, chẳng hạn như:
- Khói thuốc và các loại khói khác
- Mạt bụi
- Không khí bị ô nhiễm
- Lông động vật nuôi
- Nấm mốc
- Các chất hóa học
- Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây hen như: Thời tiết lạnh, cảm xúc thay đổi mạnh, dị ứng thực phẩm hoặc thuốc, viêm đường hô hấp trên do virus vi khuẩn,…
Hen phế quản là bệnh mãn tính không thể điều trị dứt điểm
Chữa trị hen suyễn như thế nào?
Bạn không thể tự điều trị bệnh hen suyễn tại nhà được. Do đó, khi phát hiện mình có các dấu hiệu của bệnh thì bạn cần đi khám ngay ở các bệnh viện, cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng bệnh dựa theo tình trạng sức khỏe của bạn. Có 2 dạng thuốc sẽ được kê là thuốc hít và thuốc uống. Khi đã khẳng định mình mắc hen phế quản, bạn cần phải luôn luôn mang theo thuốc để chuẩn bị cho bất cứ trường hợp nào.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các biện pháp khác để giảm ho, giảm đờm tại nhà để giúp mình dễ chịu hơn.
Biến chứng của hen phế quản
Tỉ lệ mắc hen phế quản khá cao và lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải. Vì vậy mà đôi khi mọi người còn khá lơ là bệnh này. Hen suyễn hoàn toàn có thể biến chứng nặng nếu chăm sóc bệnh nhân hen phế quản sai cách. Các biến chứng có thể xảy đến như:
- Hen nặng có thể dẫn đến khí phế thũng, tâm phế mãn tính
- Lồng ngực bị biến dạng
- Suy hô hấp mạn tính
- Ở trẻ em có nguy cơ bị xẹp phổi
- Tràn khí màng phổi (dễ tử vong)
- Dùng nhiều thuốc corticoid để điều trị hen suyễn có thể gây nhiều tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng
Hen suyễn có các biến chứng nguy hiểm nếu không được quan tâm đúng cách
Chăm sóc bệnh nhân hen phế quản đúng cách
Để bệnh nhân hen phế quản hòa nhập cuộc sống và sinh hoạt khỏe mạnh cần có nhiều điều chú ý. Có 2 điểm mà người chăm sóc bệnh nhân hen phế quản cần chú ý, như sau:
Bảo vệ môi trường sống
Đảm bảo môi trường sống xung quanh bệnh nhân hen suyễn “xanh, sạch, đẹp” là điều vô cùng cần thiết. Vì ngoài nguyên nhân di truyền thì phần lớn tác nhân gây bệnh đều là nguyên nhân “dị nguyên” từ bên ngoài. Những điều mà chúng ta cần đặc biệt để tâm:
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn màn để hạn chế bụi bặm, nấm mốc
- Không tiếp xúc với các loại khói bụi và thuốc lá. Hãy mang khẩu trang khi ra đường
- Chỉ dùng các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm,… lành tính, không chứa nhiều hương liệu hay có mùi hương quá nồng
- Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là cổ và ngực. Nhất là khi trời trở lạnh
- Vận động vừa phải, không làm việc và tập thể dục quá sức
- Giữ tâm trạng luôn ổn định. Không nên quá vui sướng hay buồn rầu
- Ăn uống lành mạnh và không ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng cho người bị hen như đồ chua lên men, hải sản, bia, rượu,…
Chúng ta hoàn toàn có thể sống chung với hen phế quản nếu được chăm sóc đúng cách
Đối phó với cơn hen
Để xử lý tốt với cơn hen, đầu tiên bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân hen phế quản cần trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh. Chúng ta cũng cần theo sát phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra cho từng người. Ghi nhớ kỹ năng quản lý hen (sẽ được tập huấn khi bạn đi khám và xác định bị hen suyễn).
Một điều quan trọng không kém đó chính là tái khám theo lịch. Cho dù bạn có cảm thấy mình đang rất khỏe khoắn thì cũng cần khám định kỳ. Điều này giúp bệnh được kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cũng như kéo giãn nguy cơ tái phát. Ngoài ra, hãy luôn chuẩn bị sẵn thuốc ở bất cứ đâu, nó giúp bạn chủ động trong nhiều tình huống phát sinh. Cuối cùng, bạn có thể sử dụng thường xuyên các bài thuốc từ thiên nhiên để giảm các cơ ho và đờm từ chanh, gừng,…
Hy vọng rằng các cách chăm sóc bệnh nhân hen phế quản vừa được đề cập sẽ giúp bạn phần nào trong việc sống chung với bệnh. Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!