Hội chứng viêm phế quản mạn tính khá phổ biến ở Việt Nam. Khi mắc viêm phế quản cấp tính chúng ta thường chủ quan và lơ là. Lâu dần bệnh đã biến thành mãn tính và khiến cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn hơn. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh để có cái nhìn đúng hơn bạn nhé!
Hội chứng viêm phế quản mạn tính là gì?
Hội chứng viêm phế quản mạn tính là một dạng nhẹ của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Ban đầu, do người bệnh mắc viêm phế quản cấp tính nhưng không được điều trị đúng và dứt điểm. Lâu dần bệnh tái lại nhiều lần rồi biến chứng thành viêm phế quản mạn tính. Lúc này, các ống phế quản đã bị tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy mà bệnh nhân thường xuyên ho nhiều đàm và cảm thấy khó thở. Nếu vẫn không được điều trị sớm, bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.
Những ai dễ mắc viêm phế quản mạn tính?
Kể cả viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính đều là bệnh lý hô hấp thường gặp ở Việt Nam. Trên thực tế, bất cứ đối tượng nào thuộc lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc viêm phế quản. Tuy nhiên, có một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả:
- Người nghiện hút thuốc lá hoặc người phải sống trong môi trường có nhiều khói thuốc
- Người làm việc và sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, không khí độc hại
- Người có sức đề kháng kém
- Người có tiền sử mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch
- Người cao tuổi, người dễ bị nhiễm trùng
Triệu chứng của hội chứng viêm phế quản mạn tính
Tùy theo mỗi ca bệnh khác nhau mà biểu hiện bệnh, tần suất phát bệnh và độ nghiêm trọng cũng sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung sẽ có một số triệu chứng nổi bật, như:
- Ho kéo dài, ho dai dẳng mãi không hết
- Khó thở, thở mệt nhọc, khò khè
- Có nhiều đờm và thường xuyên phải khạc đờm
Sự sản sinh và tích tụ chất nhầy trong phổi trong thời gian dài làm cản trở luồng không khí đi qua. Do đó mà người bệnh hay khó thở và khạc nhiều đờm. Ngoài ra, những ai mắc hội chứng viêm phế quản mạn tính còn có những biểu hiện sau:
- Thường xuyên mệt mỏi
- Hay cảm thấy tức ngực
- Ớn lạnh và bị sốt
- Hôi miệng
- Những ai mà bệnh đã bước vào giai đoạn sau thì thường có làn da xanh xao, nhợt nhạt, kém hồng hào
Viêm phế quản mạn tính có biến chứng không?
Câu trả lời là “Có”. Đây là bệnh hô hấp được xếp vào nhóm nguy hiểm. Bệnh kéo dài không được điều trị đúng cách dễ trở thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, những ai mắc hội chứng viêm phế quản mạn tính cũng dễ bị suy hô hấp, hoặc mắc ung thư phế quản, lao phổi hoặc ung thư phổi. Những biến chứng này đều có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.
Điều trị viêm phế quản như thế nào?
Đầu tiên, bạn không nên xem thường bệnh và chủ quan. Tiếp theo, bạn không nên tự ý mua thuốc điều trị viêm phế quản mạn tính tại nhà. Tùy theo tình trạng mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị khác nhau. Bạn cần nhận thức được rằng, để trở thành viêm phế quản mạn tính, hệ hô hấp của bạn đã bị suy giảm đáng kể. Vì thế mà chúng ta cần hết sức cẩn thận và tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt. Hãy đi khám tại bệnh viện sớm nhất có thể để có hướng điều trị phù hợp nhất. Bây giờ chúng tôi sẽ cho bạn biết về cách điều trị chung để bạn có thể dễ hình dung nhất.
Cách điều trị viêm phế quản mãn tính:
- Thuốc uống: Thường là thuốc giãn phế quản để việc lưu thông khí thuận lợi hơn. Bệnh nhân sẽ hô hấp dễ dàng hơn.
- Máy hô hấp: Một số trường hợp sẽ được chỉ định sử dụng loại máy này để đưa thuốc vào cơ thể. Những trường hợp nặng sẽ được kê theophylline.
- Khi bệnh ở thể nặng, các loại thuốc trên đã không còn tác dụng. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng viêm dạng uống hoặc hít.
- Phục hồi chức năng phổi bằng các bài tập thể dục, bài tập thở và chế độ dinh dưỡng đúng. Các chương trình này giúp người bệnh có thể lực tốt hơn, nâng cao sức đề kháng và thở dễ hơn.
- Thiết bị làm sạch đờm, chất nhầy và liệu pháp oxy đều giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
Ngoài việc uống thuốc và điều trị theo bác sĩ, bạn cũng cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn để đẩy lùi hội chứng viêm phế quản mạn tính. Hãy bỏ thuốc lá, thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và tiêm vaccine đầy đủ. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh để mạnh mẽ chiến đấu cùng nó. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe! Ngoài viêm phế quản, hen suyễn cũng là bệnh nguy hiểm, tìm hiểu ngay tại đây.